Menu

02. Theo dõi thời sự: các buổi họp của ban biên tập

Bốn mốc thời gian quan trọng trong hoạt động của một ban biên tập: buổi họp hàng tuần bàn về nội dung dự kiến; buổi họp hàng ngày của ban biên tập với sự tham gia của tất cả các phóng viên; buổi họp thứ hai của ban biên tập gồm một số người phụ trách sẽ làm kịch bản của bản tin thời sự; sau khi phát bản tin thời sự, buổi họp rút kinh nghiệm tập hợp tất cả những người đã tham gia vào việc phát bản tin để nhận xét nóng.
Chất lượng xây dựng và sự gắn kết của Bản tin thời sự phụ thuộc vào những cuộc họp này.

Các cuộc họp của ban biên tập: dự kiến, sản xuất, tự đánh giá

  • Cuộc họp lên nội dung dự kiến:

Được tổ chức một lần mỗi tuần, để lên kế hoạch về các phóng sự và bàn trước về những sự kiện thường xuyên xảy ra hay có thể dự báo trước. Cuộc họp này tập hợp các cán bộ sản xuất tin, các phóng viên biên tập viên và các phóng viên quay phim, các trợ lý và người phụ trách tư liệu. Tất cả những thông tin từ ngoài vào đều được xem xét, bỏ đi hay giữ lại. Các đề tài được lựa chọn sẽ được đưa vào lịch của ban biên tập.

  • Cuộc họp của ban biên tập:

Cuộc họp này được tổ chức 8 giờ hay 6 giờ trước bản tin thời sự, để xây dựng bản tin. Cuộc họp này tập hợp tất cả các phóng viên của ban biên tập và tùy theo tầm cỡ của đài truyền hình, những người phụ trách và các ê kíp kỹ thuật. Cuộc họp bắt đầu bằng việc điểm báo ngày, xem xét lịch dự kiến, sau đó từng người phát biểu quan điểm, đưa ra đề nghị của mình. Trưởng ban biên tập chọn đề tài sẽ khai thác và nêu cụ thể góc độ xử lý của từng phóng sự. Vỏ tin dự kiến của bản tin thời sự (BTTS) hình thành sau khi có đóng góp của tất cả mọi người. Cuộc họp kéo dài từ 20 đến 45 phút.

  • Cuộc họp chuẩn bị:

Cuộc họp này được diễn ra 4 hay 2 giờ trước BTTS. Trưởng ban biên tập, phó ban biên tập hay người phụ trách sản xuất, những người phụ trách scripts, dẫn chương trình, ấn định thứ tự chính thức của vỏ BTTS. Kịch bản chính thức này là tài liệu hướng dẫn cho toàn bộ kíp sản xuất (quay phim trường quay, kỹ thuật viên đường hình, hòa âm, kỹ xảo, dẫn chương trình…)

  • Cuộc họp rút kinh nghiệm diễn ra ngay sau khi phát BTTS:

Ngay sau khi BTTS phát sóng, cuộc họp này chỉ ra những điểm mạnh và những điểm yếu với sự tham dự của toàn bộ các phóng viên và kỹ thuật viên thực hiện bản tin, điểm lại những vấn đề kỹ thuật đã gặp, những thất bại hay những thành công về mặt báo chí. Các thông tin này sẽ được nhắc lại ngày hôm sau vào đầu buổi họp ban biên tập.

  • Có thể tổ chức xem lại băng để rút kinh nghiệm, xem lại toàn bộ hoặc một phần bản tin nhằm cải thiện những BTTS sau (xem phiếu 22).

Một phương pháp để chuẩn bị trước cho những sự kiện có thể dự đoán:

Để việc sản xuất tin không chỉ phụ thuộc vào nguồn tin bên ngoài, cần phải chuẩn bị trước cho các sự kiện.

Cuối buổi họp của ban biên tập, trưởng ban biên tập (hay một trong những phó ban) xem lịch để điểm những sự kiện dự kiến sẽ xảy ra vào 15 ngày hay 30 ngày tới. Ông ta chỉ định một nhóm chuẩn bị việc xử lý chủ đề này.

Nhóm này không có 15 ngày để thực hiện phóng sự mà họ có 15 ngày để suy nghĩ, để chứng tỏ tính sự độc đáo trong việc chọn nguồn tin và sự sáng tạo trong thực hiện tin vào ngày sự kiện xảy ra.