Menu

15. XÂY DỰNG PHÓNG SỰ: PHỎNG VẤN

Phỏng vấn không được sử dụng một cách máy móc như là trường đoạn then chốt của phóng sự. Đó là một trường đoạn rất mạnh. Về hình thức, đó là cảnh dài nhất của phóng sự và về nội dung, đó là trường đoạn tạo nên sự tồn tại của người mà phóng sự trao cho lời nói và làm mất hiệu lực tất cả những người khác (thật khó để làm cho quan điểm của một người tồn tại được nếu không thể phỏng vấn được người đó mà chỉ có lời bình). Cảnh phỏng vấn rất quý và cần được sử dụng một cách cẩn trọng.

Một cuộc phỏng vấn dàn dựng có thể phá vỡ tính thống nhất về địa điểm, thời gian hay hành động của một trường đoạn.

Tất cả những phỏng vấn thực hiện tại một thời điểm và địa điểm khác với phần còn lại của phóng sự đều gây ra sự đứt gãy giọng điệu. Nếu sự đứt gãy này này không phải là do chủ ý thì nên quay phỏng vấn tại hiện trường, dễ ghép vào phóng sự hơn.

Việc lặp lại cùng một cảnh ngăn cản sự tiến triển của câu chuyện.

Cần tránh sử dụng nhiều trích đoạn của cùng một cuộc phỏng vấn tại những thời điểm khác nhau của phóng sự. Để cho sự lặp lại “cùng cảnh” này được nhìn nhận như một thủ pháp có chủ ý và nét chủ đạo, cần phải chú trọng đến những khuôn hình khác nhau của phỏng vấn và để ý nhịp độ lặp lại của cảnh này trong suốt phóng sự.

Thứ tự mà phóng viên xếp các phỏng vấn cho thấy thông điệp anh ta muốn đưa ra.

Với một phóng sự không thiên vị, phóng viên phải giới thiệu những quan điểm đối lập (ỦNG HỘ/PHẢN ĐỐI) xung quanh một chủ đề. Thứ tự trình bày những quan điểm khác nhau không phải là không có chủ ý. Thứ tự này phản ánh sự lựa chọn nội dung mà phóng viên đưa ra và chịu trách nhiệm.

PV1 Ngon + PV2 Đắt = Thông điệp: “lẽ ra chúng ta không nên đi ăn ở nhà hàng này”

PV1 Đắt + PV2 Ngon = Thông điệp: “đi ăn ở nhà hàng này cũng đáng”

Nên có bao nhiêu trích đoạn phỏng vấn trong một phóng sự?

Nếu phóng sự có bốn hay năm trích đoạn phỏng vấn, khán giả thường quên một hay hai trích đoạn nằm giữa người được phỏng vấn đầu tiên và người được phỏng vấn cuối cùng. Vì thế, phải dành sự chú ý đặc biệt cho việc ráp các trích đoạn phỏng vấn này, chăm chút việc cắt ghép, độ dài, lời dẫn trước các phỏng vấn…

Có thể kết thúc phóng sự bằng một phỏng vấn?

Người ta thường nói rằng phóng viên cần kết thúc phóng sự của mình bằng một thông tin hay, đắt giá. Vì thế không thêm lời bình sau phỏng vấn cuối cùng có nghĩa là dành ưu tiên cho thông điệp của người được phỏng vấn. Có ngoại lệ khi làm chân dung (phóng sự về một người), có thể dành lời cuối cùng cho người được phỏng vấn.

Bắt đầu bằng một cuộc phỏng vấn?

Bắt đầu một phóng sự bằng lời nói thu được vu vơ là một cách thu hút tốt. Thường đó không phải là một phỏng vấn mà là một tiếng động thu ở sự kiện, được sử dụng để tung ra một chủ đề một cách năng động. Trong trường hợp lời mở đầu là lời phỏng vấn một người, cần báo trước để người dẫn chương trình không kết thúc lời dẫn phóng sự bằng tên của các phóng viên trong ê kíp: khi phát ngay phỏng vấn kế theo, việc dẫn “nhầm tên” này có thể gây khó hiểu cho phóng sự.

Giấu người được phỏng vấn?

Có nhiều thủ thuật làm mờ để giấu người được phỏng vấn khi người này muốn ẩn danh:

– quay phim ngược sáng, thủ thuật hình ảnh với một ảnh ghép chẳng hạn
– làm biến đổi giọng

Những thủ pháp này được áp dụng để bảo vệ nhân thân hay danh tiếng của nguồn tin nhưng đừng quên là nó làm thông điệp trở nên rất mập mờ.