Menu

11. Điều khiển âm thanh của phóng sự

Trong ngôn ngữ nghe nhìn, tiếng động thường được hiểu là lời bình của phóng viên hay lời của những người được phỏng vấn. Đúng là chúng rất quan trọng vì chúng chuyển tải thông tin. Nhưng không nên quên vai trò cơ bản của tiếng động trực tiếp hay tiếng động nền, những tiếng động mang lại sức sống cho hình ảnh và cho phép khán giả thâm nhập hoàn toàn vào phóng sự. Giữa nhạc bật to hết mức và sự im lặng tuyệt đối còn có một loạt những tiếng động mang lại chiều sâu cho phóng sự thời sự.

Âm thanh trực tiếp

Âm thanh trực tiếp hay tiếng động nền là “chữ ký” của phóng sự tại hiện trường mà tính chất là ghi lại được một mẩu của sự thật bằng cả hình ảnh và tiếng động. Nếu ta nhìn hình ảnh một người thợ rèn đang nhúng một miếng sắt vào trong xô, ta phải nghe thấy được âm thanh đặc trưng của sắt nung đỏ khi tiếp xúc với nước.

Trong rất nhiều phóng sự, âm thanh tự thân nó là một thông tin: nó cho phép khán giả đo lường được “bạo lực của phe chống đối”, nghe được “niềm vui của những người chiến thắng”, hiểu được “ô nhiễm tiếng ồn” mà những người sống ven đường cao tốc vẫn phàn nàn… Những thông tin này mạnh hơn nhiều khi có tiếng nền thu trực tiếp so với khi chúng chỉ là những miêu tả trong lời bình của phóng viên.

Tiếng nền “im lặng”

Khi quay, dành thời gian để thu tiếng nền ghi trong “im lặng” là một thói quen tốt. Để có thể tìm lại khi gỡ băng, cần quay tiếng nền này trên bảng màu chuẩn hay dùng tay che ống kính máy quay và nói vào mic: “Một phút im lặng” chẳng hạn.

  • Tiếng nền được ghi khi không có tiếng người nói là loại tiếng động tách biệt có ích trong dựng hình, để ráp nối các hình ảnh và tăng sức mạnh của những cảnh chủ đạo.
  • Tiếng động tách biệt có ích khi trộn âm thanh để đảm bảo tính liên tục về âm thanh và nhất quán tiếng nền từ đầu đến cuối phóng sự.

Phỏng vấn cũng là và trước hết là một “tiếng động”

  • Hiệu ứng KD (không dây):

Khi người được phỏng vấn được trang bị một mic không dây và được bắt khuôn hình rộng, tiếng nói của anh ta sẽ rất to trong khi ta chỉ nhìn thấy anh ta rất nhỏ trong một góc của khuôn hình. Trong trường hợp này, chú ý để cân bằng tốt mức độ âm thanh.

  • Vị trí của mic

Để cầm mic mà tay không đưa tay qua trước ống kính camera, chỉ cần cầm mic bằng bàn tay đối ngược với máy quay. Cầm mic tương đủ thấp để không lộ ra trên khuôn hình và đủ cao để bắt rõ lời nói của người được phỏng vấn.

Mic cài áo sẽ kín đáo hơn và không làm xáo động người được phỏng vấn.

Mic cầm tay cho phép phóng viên có thể chủ động cắt lời người được phỏng vấn và đặt câu hỏi khi anh ta muốn.

Minh họa bằng âm nhạc

Minh họa bằng âm nhạc được sử dụng để tạo nhịp điệu cho các phóng sự thể thao và về các đề tài văn hóa, đặc biệt là các chân dung. Có thể dùng nhạc nếu có sự lựa chọn cẩn thận cho hoàn toàn phù hợp với chủ đề đang xử lý.

Với những tin có tính giải thích, có thể dùng nhạc như xương sống của kịch bản dựng và tạo sự trôi chảy cho lời bình. Nên dựng theo logic của hình ảnh hơn là cố bám sát nhịp điệu và tiết tấu của nhạc.

Đối với phóng sự hiện trường, cần tránh nhồi thêm nhạc vào. Ngược lại, nếu nhạc có sẵn trong một bối cảnh quay thì đừng quên quay cảnh cho thấy nguồn của tiếng nhạc “hiện trường” này: chiếc đài, dàn nhạc, người chơi sáo ở góc phố…

Những lời khuyên dành cho người thu âm thanh:

  • Trước khi thu: kiểm tra pin
  • Để giữ liên tục âm thanh trong một buổi hòa nhạc hay bài diễn văn chẳng hạn, nhớ đừng cắt máy quay giữa các lần chỉnh khuôn hình.
  • Đối với phỏng vấn tiến hành trong xe, hãy đóng cửa kính và cố định mic trên tấm chắn nắng để có được âm thanh tốt.
  • Sau khi ghi âm: dùng tai nghe kiểm tra âm thanh (nhất là khi sử dụng mic không dây) xem có bị chồng tiếng không.

Người thu âm thanh ghi các tiếng động bắt được tại tình huống trong phóng sự cũng như các cuộc phỏng vấn. Anh ta sẽ chọn vị trí tốt nhất để thu âm thanh chất lượng, không bị xáo động. Anh ta có thể dùng sào để đưa mic lại gần mà không lọt vào khuôn hình. Anh ta có thể dùng một thiết bị trộn để cân bằng tiếng của câu hỏi và tiếng của câu trả lời trong phỏng vấn. Anh ta nghe liên tục mọi âm thanh và sẽ báo cho phóng viên và quay phim nếu có tạp âm gây nhiễu.

Nếu không có người phụ trách ghi âm, phóng viên dùng mic và cần biết:

  • mic cài áo kín đáo hơn và ít gây xáo trộn đối với người phỏng vấn hơn.
  • mic cầm tay, định hướng tốt, tách biệt tốt lời nói được ghi âm. Nó cho phép phóng viên chủ động cắt lời người được phỏng vấn và đặt câu hỏi khi anh ta muốn.