Menu

10. Biểu đạt bằng hình ảnh

Khi làm phóng sự, phóng viên quay phim quay dựa trên những gì anh ta nhìn thấy tại thực địa và theo phong cách riêng. Phóng viên sử dụng sự giàu có của ngôn ngữ hình ảnh để tạo nên những ý nghĩa thông qua: sự lựa chọn máy quay, góc quay, khuôn hình, ánh sáng, các động tác máy và vị trí so với chủ đề của phóng sự.

Ý nghĩa của các cỡ cảnh:

Mỗi lần người quay phim cho máy hoạt động, quay và dừng, anh ta sản xuất ra một cảnh. Toàn bộ các cảnh quay tại một địa điểm hay xung quanh một sự kiện sẽ tạo nên một trường đoạn, một tập hợp các cảnh quay phong phú và đa dạng:

  • Cảnh rộng dùng để mô tả bối cảnh chung của sự kiện
  • Toàn cảnh định vị các nhân vật
  • Trung cảnh từ hông lên mô tả các nhân vật đang hành động
  • Trung cảnh từ eo trở lên cho thấy một hay nhiều người đang trong bối cảnh
  • Trung cảnh hay cảnh từ ngực lên là cảnh cổ điển của format “truyền hình”, trùng với góc nhìn tự nhiên trong cách chúng ta nhìn những người khác.
  • Cận cảnh hướng tầm nhìn vào một chi tiết trên cơ thể hay vật, một hành động cụ thể
  • Cảnh xen tập trung sự chú ý vào một chỉ tiêu thị giác liên quan đến một hành động được miêu tả

Những hiệu ứng quay phim tạo nên những hiệu ứng ý nghĩa

  • “Mồi”:

Một người hoặc một vật xuất hiện một phần bên lề khuôn hình tạo ra hiệu ứng tăng độ sâu của trường ảnh.

  • Quay từ trên xuống và hất từ dưới lên:

Trục lấy cảnh hướng từ trên xuống dưới hay từ dưới lên cao và sẽ mang lại cảm giác lấn át của người nhìn hay người được nhìn.

  • Trường cảnh:

Máy quay không dừng: tổng thể các cảnh, không bị cắt, sẽ tạo thành một cảnh duy nhất. Không dừng ngắt, máy quay theo sát hành động đang xảy ra hoặc mô tả một địa điểm.

  • Góc máy chủ quan:

Hình ảnh trùng với cách nhìn, góc nhìn của một nhân vật liên can đến hành động. Nó mang lại cho khán giả truyền hình cảm giác mình đang sống trong cảnh đó.

Các động tác máy:

  • Lia:

máy quay (sử dụng chân máy) quay quanh trục để mô tả bối cảnh của một sự kiện, định vị nó trong không gian.

  • Trượt:

máy quay di dộng và theo một lộ trình liên tục, thường là song song với nhân vật, với vật mà nó đang quay. Trong phóng sự, kiểu travelling thường được thực hiện từ xe hơi, tàu hỏa… Nó cũng có thể mang lại ý nghĩa một quy trình, một câu chuyện, một sự chuyển biến…

Các động tác máy và hiệu ứng ống kính

  • Zoom:

bằng cách điều khiển ống kính, những vật ở xa sẽ được đưa gần lại.

Trong phóng sự, cách tốt nhất để zoom là tiến lại gần chủ thể được quay.

  • Kỹ thuật chuyển Mờ/nét:

Bằng cách điều chỉnh tiêu cự của máy quay, người quay phim sẽ chuyển từ độ nét của một chi tiết của cảnh đầu tiên sang cảnh thứ hai hay ngược lại. Đây là một hiệu ứng cho phép chuyển tiếp mà không có sự đứt đoạn về tông hình.

  • Chồng mờ đen hoặc trắng

Đó là một thủ thuật cho thấy rõ có sự đứt đoạn. Được sử dụng giữa hai trích đoạn phỏng vấn, kỹ thuật này cho thấy rõ ràng hiệu ứng của dựng hình phỏng vấn.

Các trục quay

  • Luật số ba:

một hành động được mô tả bằng ít nhất là ba cảnh. Ba cảnh này phải chênh nhau ít nhất hai cấp độ khuôn hình trong phân loại điện ảnh để tránh “nhảy” hình.

  • Luật 180 độ:

bình thường một hành động không bao giờ được vượt qua một đường vô hình chia đôi không gian. Cảnh quay sẽ trở nên không logic và khó hiểu nếu máy quay không giữ góc quay của nó ở bên này hay bên kia của đường này.

  • Những chi tiết âm thanh và/hoặc hình ảnh ngoài khuôn hình:

Một khuôn hình gợi nghĩ đến những gì hiện ra trong khuôn hình cũng như những gì gợi mở ngoài khuôn hình. Một chiếc gương chiếu hậu gợi nghĩ tới toàn bộ chiếc xe hơi, một chiếc khuy cài tay áo gợi nghĩ đến một nhân vật…

4 lời khuyên:

  • Làm rất ít động tác máy: để cho khán giả truyền hình có thời gian xem từng cảnh
  • Luôn sử dụng chân máy khi có thể, chân ba hay chân đơn: một hình ảnh ổn định là một hình ảnh chuyên nghiệp và vì thế tạo cho khán giả độ tin cậy.
  • Kiểm tra âm thanh bằng tai nghe: để tránh những âm thanh có thể gây xáo trộn việc nghe và hiểu phỏng vấn hay cảnh quay (tiếng điều hòa, tiếng tàu hỏa chạy qua dù không nhìn thấy tàu trong khuôn hình…)
  • Luôn luôn kiểm tra thiết bị trước khi lên đường đi làm phóng sự: pin, thẻ nhớ, thiết bị ánh sáng…

Cần phải mang về cho kỹ thuật viên dựng hình bao nhiêu cảnh?

Một phóng sự = khoảng 20 cảnh dựng = 60 cảnh quay

(tỉ lệ quay/dựng là 3/1)

Cảnh cần quay để có thể dựng hình tốt:

  • 2 cảnh toàn, nghĩa là 6 cảnh cần quay
  • 8 cảnh trung, nghĩa là 24 cảnh cần quay
  • 10 cảnh cận, nghĩa là 30 cảnh cần quay
  • 30 giây phỏng vấn (cần quay 2 phút)

Hình ảnh trả lời tốt cho các câu hỏi Ở đâu? Ai? Cái gì?

Địa điểm, môi trường, tình huống, không gian nơi diễn ra sự kiện cũng như các nhân vật của sự kiện, những người được phỏng vấn và những người liên quan đến sự kiện.

Ngay khi quay, phóng viên và người quay phim phải đánh dấu tất cả những câu trả lời không thể hiện được bằng hình ảnh và âm thanh. Lời bình có nhiệm vụ trả lời cho những câu hỏi trừu tượng hơn như Tại sao? Như thế nào?