Menu

03. Sản xuất tin

Phóng viên tìm ra những thông tin hay và đề xuất đề tài. Khi ban biên tập quyết định khai thác một chủ đề hay đưa tin về một sự kiện, phóng viên chọn lựa một góc độ, thu thập và kiểm chứng thông tin để xây dựng một phóng sự có sức hút với khán giả. Luôn luôn tỉnh táo, phóng viên thu thập thông tin từ nhiều nguồn. Anh ta biết định vị những thông tin thú vị và những đề tài chưa từng được khai thác. Anh ta kiên trì và có sự hiểu biết chắc chắn về những đề tài cần thời gian để xử lý.

Về phía phóng viên, sản xuất tin, trước hết là theo dõi thời sự.

Phóng viên dự buổi họp ban biên tập với những đề xuất đề tài thời sự chứ không đến “tay trắng”. Cuộc tranh luận trong ban biên tập cho phép xác định góc độ khai thác phù hợp nhất để xử lý một thông tin và định chỗ cho chủ đề đó trong bản tin thời sự.

Tìm ra cách xử lý khác* cho mỗi chủ đề và thể hiện tính sáng tạo chính là giá trị gia tăng mà phóng viên và toàn bộ ê kíp thực hiện bản tin thời sự có thể mang lại. (*khác với cách xử lý của những phương tiện truyền thông khác, của các đài truyền hình khác, của những năm trước…).

Buổi họp ban biên tập là thời điểm để lựa chọn. Đối với mỗi chủ đề được chọn cho vào bản tin thời sự, trưởng ban biên tập có thể đề nghị phóng viên:

  • Cùng một nhóm đi làm phóng sự tại thực địa
  • Làm tin ngay tại ban biên tập dựa trên hình ảnh của hãng thông tấn, hình ảnh lưu trữ hoặc hình ảnh tổng hợp

Trưởng ban biên tập cũng có thể quyết định để người dẫn bản tin đưa một thông tin nào đó trong khi phát Bản tin (có hoặc không kèm theo hình ảnh; với một khách mời hoặc một phóng viên chuyên trách). Khi đã quyết định xong từng chủ đề, các phóng viên phải tôn trọng những yêu cầu chặt chẽ về cách khai thác, phương tiện và thời lượng để đảm bảo chất lượng của bản tin thời sự.

Phóng sự = một đề tài + một nội dung

“Ngày 11 tháng 9 năm 2001” là một sự kiện. Để đưa tin về kỷ niệm 10 năm sự kiện này, các phóng viên phải thu hẹp vào những đề tài cụ thể, (đề tài = điều đã được biết, xuất phát điểm của phóng sự). Mỗi một chủ đề này có thể được xử lý bằng nhiều góc độ mà từ đó phóng viên sẽ đưa ra một nội dung (nội dung = điều chưa được biết, thông tin, giá trị gia tăng)

  • “Ngày 11 tháng 9 năm 2001”: nhắc lại sự kiện, từng phút, từng giờ…
  • “Ngày 11 tháng 9 năm 2001”: lời kể của những nhân chứng người Pháp (hoặc Mỹ hoặc…) mười năm sau
  • “Ngày 11 tháng 9 năm 2001”: lời kể của một nhân viên cứu hỏa về ngày dài nhất trong cuộc đời đi làm của mình…

Phóng viên không nên tìm cách nói về tất cả: với một chủ đề, chỉ một nội dung là đủ. Việc khai thác một đề tài sẽ thành công khi các thông tin được phân chia hiệu quả giữa hình ảnh và âm thanh, điều đó đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa quay phim, biên tập viên và kỹ thuật viên dựng hình, và rộng hơn nữa là giữa tất cả các thành viên của ban biên tập trong suốt cả ngày.

Thông tin được khán giả coi là thành công nếu chủ đề (xuất phát điểm của phóng sự) đánh thức mối quan tâm của anh ta, nếu cách xử lý tin thu hút sự chú ý của anh ta và nội dung mang lại những thông tin mới mẻ mà anh ta chưa từng xem.