Menu

03. Góc độ là gì?

Phát thanh không thể nói tất cả, các bản tin bị khống chế thời gian, vậy cần phải chọn lựa. Khái niệm góc độ được áp dụng cho việc thực hiện phóng sự. Một nhà báo có thể làm nổi bật các khía cạnh hoặc góc độ khác nhau của một đề tài. Mỗi thông tin có thể được nắm bắt, trình bày, xem xét, nhìn nhận, dưới các góc độ khác nhau.

Góc độ, sự lựa chọn báo chí

Ngày nào các phương tiện thông tin đại chúng cạnh tranh cũng xử lý các đề tài quan trọng. Về cùng một đề tài, mỗi người đều có thể nhận thấy các đài phát thanh cho ra các kết quả khác nhau. Tất cả đều tùy thuộc vào góc độ được chọn để xử lý đề tài. Nếu góc độ tốt, phóng sự sẽ gây hứng thú.

Góc độ: đáp ứng những quy tắc thực hành nghiêm ngặt của nghề báo

Không thể đưa tất cả các thông tin vào một tin sâu dài một phút. Nhà báo phát thanh chịu quy tắc nghiêm ngặt đó và biến nó thành lợi thế. Việc chọn một góc độ tốt giúp giải quyết được vấn đề khống chế thời gian dành cho phóng sự của bạn. Không gì cấm bạn xử lý đề tài dưới hai góc độ khác nhau: đề xuất một góc độ cho bản tin tối và góc độ thứ hai cho bản tin sáng ngày hôm sau.

Thời điểm xác định góc độ của đề tài?

Thời điểm để chọn góc độ xử lý một đề tài là trong cuộc họp tòa soạn: ta sẽ xử lý từng đề tài như thế nào, điều gì khiến thính giả quan tâm trong đề tài này, những ai là đối tượng tốt để ta phỏng vấn? Cách tốt nhất để trả lời những câu hỏi này là thảo thuận cả nhóm trong cuộc họp tòa soạn buổi sáng.

Các ví dụ về góc độ

Hãy lấy một đề tài thời sự: một vụ hỏa hoạn lớn xảy ra ở một khu phố trong thành phố của bạn, các ngôi nhà và cửa hàng kinh doanh bốc cháy. Dưới đây là một vài ví dụ về góc độ có thể thực hiện:

  • Góc độ thứ nhất: Cử phóng viên tới hiện trường, phóng viên sẽ gọi về khi bản tin đang phát để miêu tả đám cháy. Cách xử lý: một tin sâu được điện thoại trực tiếp về phòng thu.
  • Góc độ thứ hai: Làm bản tổng kết thiệt hại về người và của: bao nhiêu người chết, người bị thương, công tác cứu hộ được tổ chức thế nào, bao nhiêu con phố, nhà cửa bị ảnh hưởng, v.v. Cách xử lý: trích đoạn phỏng vấn một nhà chức trách.
  • Góc độ thứ ba: Giải thích điều gì đã diễn ra. Ngọn lửa bắt đầu khi nào và từ đâu? Vì lý do gì? Đây là vụ hoả hoạn có tính chất tội phạm hay chỉ là tai nạn? Cách xử lý: một tin sâu đọc tại phòng thu.

Ta có thể lựa chọn giữa vô vàn góc độ khác nhau. Ta có thể xử lý nhiều góc độ để có các phóng sự đa dạng trong các bản tin khác nhau. Nếu sự kiện vô cùng quan trọng, ta có thể dành cho nó nhiều góc độ trong một bản tin và làm thành một hồ sơ sự kiện.

Nguyên tắc này được áp dụng cho tất cả các sự kiện, chính trị, văn hóa, kinh tế, thể thao (các tin sâu trước trận đấu, tin tiếng động trước trận đấu, tổng kết sau trận đấu, phỏng vấn các đấu thủ, huấn luyện viên, bài phân tích…)

Cũng như vậy khi xử lý một vụ kiện: tin sâu nhắc lại vụ việc, viết về bị cáo, tin sâu tóm tắt phiên tòa, tin sâu có tiếng động phỏng vấn luật sư của hai bên…