Menu

05. Nguồn tin và kiểm chứng thông tin

Các nguồn tin của nhà báo thì vô cùng: tin từ hãng thông tấn, báo chí, thông cáo, các phương tiện truyền thông đại chúng khác, TV hay phát thanh, và ngày nay, tất cả mọi thứ trên mạng Internet: blog, mạng xã hội, các trang thông tin. Ta có thể bổ sung vào danh sách này những nguồn tin riêng của nhà báo, các cú điện thoại từ thính giả, nhân chứng, thông tin từ các nhà báo khác, tư liệu của tòa soạn, thông tin mà ta nghe được từ đâu đó... Nhưng trong tất cả "mớ" thông tin ấy, ta cần phải biết chọn lọc và, trên hết, phải biết kiểm chứng...

Kiểm chứng hai lần, đó là quy tắc cơ bản ở đài BBC. Dù cho quyền hạn thế nào, nhà báo có thể bị điều khiển, rơi vào tình trạng làm tuyên truyền hay làm quảng cáo. Nếu bạn lấy tin từ một tờ báo, thì cái tin đó phải thật chính xác và đã được kiểm chứng. Không bao giờ bạn được đọc nguyên cái tin đó trên làn sóng. Bạn cũng phải luôn trích dẫn tờ báo (nguồn: phương tiện thông tin đại chúng khác, v.v.)

Làm thế nào để xác định một thông tin chân thực?

Tin thời sự

Là những gì đang diễn ra, mới diễn ra, sắp diễn ra (thông báo). Đó là một sự kiện mới mà chúng ta chưa nghe nói tới. Cần đánh giá mỗi tin tức dựa trên quan điểm của thính giả. Xem sự kiện, tuyên bố liên quan hay ảnh hưởng tới họ thế nào.

Tin tạp chí

Là tin tức không hẳn là về một sự kiện cụ thể mà nó giải thích một vấn đề, một hiện trạng, mà ta có thể xử lý hôm qua, hôm nay, ngày mai, nhưng nó khiến thính giả quan tâm bởi vì họ chưa biết đến tin đó và bởi vì nó ảnh hưởng tới họ. Ví dụ bạn có thể thực hiện một điều tra về người lưu vong trong một khu rừng, tình trạng phá rừng, xói mòn, các khoản tín dụng bị sử dụng trái mục đích cho một trường đại học… Đó là những đề tài hé lộ ra sau khi tiến hành một điều tra nhỏ.

Làm thế nào để chọn tin trong biển thông tin chuyển đến chúng ta?

Sau đây là một vài tiêu chí:

Tính thời sự: tin tức phải mới mẻ. Một thông tin ít gây hứng thú nếu thính giả đã biết về thông tin đó ở chỗ khác rồi.

Sự gần gũi về địa lý: mọi người quan tâm đến chuyện xảy ra trong làng mình, ở nước mình hơn là những chuyện xa lắc xa lơ.

Sự gần gũi về lợi ích: mọi người nhạy cảm với những thông tin liên quan tới họ: giá cả, ngân sách, giá thực phẩm, tình trạng đường sá, thuế vận chuyển, học phí… Nhưng họ cũng nhạy cảm với những gì gắn với con người: chuyện lạ đó đây, hài hước, hồi hộp, bi kịch, thành công, chuyện trẻ em, người cao tuổi, ký ức, gương khuyết tật vượt khó…

Theo dõi tin tức: là công việc bắt buộc đối với một tòa soạn. Ta theo dõi tiến triển của một sự kiện, cho đến khi có kết luận. Ví dụ: một vụ mất điện nghiêm trọng. Bạn phải thông báo khi nào sửa được và sửa như thế nào. Một nguy cơ bệnh dịch: tiếp theo bạn phải nói xem liệu nguy cơ có thành hiện thực hay không, liệu các mối lo ngại có được giảm bớt không, liệu đã hết nguy hiểm hay chưa.

Tầm quan trọng: một thông tin quan trọng ảnh hưởng tới rất nhiều người, thay đổi cuộc sống thường ngày của họ, có ảnh hưởng trực tiếp tới họ: thiên tai, xung đột, bầu cử…