Cũng giống như trong cuộc sống hàng ngày khi ta gặp một người bạn, ta kể cho bạn nghe những gì ta thấy: Ở đâu, Khi nào, Ai, Cái gì?….
Có lúc ta cần phải viết một tin bài mà không biết câu trả lời cho chữ W thứ 5, chữ Tại sao (Why) – hay là Như thế nào (How). Phân tích thông tin kỹ lưỡng hơn sẽ giúp chúng ta tìm thấy câu trả lời này.
Các quy tắc vàng của nhà báo
- Hãy nói một cách rõ ràng nhất có thể về nội dung sự việc. “Có lẽ có những mâu thuẫn trong nội bộ ban lãnh đạo” là một thông tin tồi, “Pierre và Jean tranh giành chức chủ tịch” là thông tin tốt hơn.
- Luôn luôn xác định chủ ngữ của hành động. “Ngày khai trường đã bị hoãn” là một thông tin tồi; “Bộ trưởng Bộ giáo dục hoãn ngày khai trường” là một thông tin rõ ràng hơn.
- Luôn luôn nói sự việc diễn ra ở đâu: ở Kinshasa, Brazzaville, N’jamena, Bangui, Ouagadougou, Bujumbura, Casablanca, Dakar, Oran, Alger, Tunis, Tripoli… trong khu phố nào, trên con phố nào, v.v.
- Luôn luôn nói một cách cụ thể khi nào sự kiện mà ta thuật lại đã diễn ra: sáng nay, ngày hôm nay, ngày hôm qua, cách đây hai ngày, tuần trước, ngày 10 tháng 1…
Bằng mọi cách tìm kiếm câu trả lời
Nếu ta không có các câu trả lời, cần làm mọi cách để tìm kiếm chúng. Một thông tin chỉ có giá trị nếu ta có các câu trả lời cho bốn câu hỏi cơ bản nêu trên. Một tổng biên tập giỏi phải dám vứt vào sọt rác mọi tin tức không trả lời được đầy đủ cho những câu hỏi này, và một nhà báo không bao giờ được làm một tin mà không có đủ câu trả lời cho các câu hỏi cơ bản đó.
Quy tắc này áp dụng mọi nơi: lời dẫn chẳng hạn – Ở đâu Khi nào Ai Cái gì? – Còn câu hỏi Như thế nào/Tại sao chính là góc độ của phóng sự. Quy tắc này được dùng để viết các tin sâu trong phát thanh, các phóng sự, trong phỏng vấn, nghĩa là mọi nơi.
Trong tiếng Việt, ta có thể bổ sung cho quy tắc trên bằng một cách dễ nhớ khác như sau:
BACTOKT
Bao nhiêu Ai Cái gì Thế nào Ở đâu Khi nào Tại sao.
Tự các bạn cũng thấy, đây là những câu hỏi thường ngày. Chúng ta sử dụng chúng theo bản năng. Trong nghề báo, chúng phải trở thành PHẢN XẠ.