Menu

19. Ghi âm

Không có phát thanh nếu không có âm thanh tốt, không có chất lượng ghi âm tốt. Phóng viên đương nhiên không phải kỹ thuật viên, cũng không phải người chuyên thu âm, nhưng anh ta buộc phải biết một vài nguyên tắc. Hãy nghĩ tới thính giả của bạn. Vài người nghe bạn bằng những chiếc đài bán dẫn cổ lỗ yếu pin. Hãy hình dung ra người đó đang đi bộ trên phố với chiếc đài đầy tiếng kêu lạo xạo. Nếu âm thanh tồi, anh ta sẽ chẳng nghe thấy gì cả. Anh ta sẽ chuyển qua nghe đài khác.

Micro

Các đài phát thanh trang bị cho phóng viên của mình các micro toàn hướng, là các micro ghi lại mọi âm thanh. Đấy là những chiếc micro dễ sử dụng nhất. Chỉ cần đưa chúng lại gần hoặc bỏ chúng ra xa một nguồn âm thanh để thay đổi âm thanh. Ví dụ :

Khi phỏng vấn : chúng ta cần người đối thoại phải “hiện diện” để nghe cho rõ. Ta đưa micro vào gần miệng anh ta, cách 20 cm.

Nếu ta đưa micro vào gần quá, tiếng sẽ bị vỡ, đặc biệt là các âm “P” và “T”
Nếu ta đặt micro xa quá, giọng người đối thoại chỉ nghe được vừa đủ, tiếng bị yếu.

Bạn có thể có tiếng động yếu nếu như bạn không chỉnh máy đủ lớn khi ghi âm các tiếng động hiện trường (rất hữu ích cho phóng sự).

Bản thân bạn khi phỏng vấn phải ghi âm lại các câu hỏi của mình, khi dựng băng, một số câu hỏi sẽ được giữ lại… Hãy quay micro về phía mình, đảm bảo cách miệng 20cm. Nếu bạn để micro quá gần, tiếng sẽ bị vỡ, nếu để quá xa, tiếng bị yếu.

Tiếng bị vỡ không gỡ lại được

Bạn đã xem biểu đồ âm thanh dựng tiếng động. Khi tiếng bị vỡ, các sóng âm bị “chém” cụt tại giới hạn hai đường biên âm thanh. Bạn tự nhủ, không vấn đề gì, mình sẽ vào phần “hiệu ứng” – “biên độ” và mình giảm đi 3 hay 4 db. Phải, bạn có thể làm thế, nhưng sóng âm vẫn bị chặn lại ở trên và dưới biểu đồ, và nó tạo nên tiếng brrrr… hoặc là âm thanh không tròn tiếng.

Với một tiếng bị yếu, khi ta kéo cho nó to lên, thì đồng thời ta cũng kéo theo tiếng thở, tiếng nền hiện trường to lên và âm thanh vẫn không rõ nét.

Làm thế nào để có âm thanh tốt?

Bằng cách tuân thủ những gì chúng tôi nói ở trên, và bằng cách làm theo “danh sách” (check-list) các việc sau đây:

trước khi đi: kiểm tra máy móc, thử micro, nghe lại, lấy tai nghe áp ngoài tai hoặc tai nghe trong, chụp đầu micro để cản gió.

tại hiện trường: để điều chỉnh âm lượng của người đối thoại, hãy đề nghị anh ta tự giới thiệu về mình, về chức vụ, nói về thời tiết chẳng hạn.
Bạn giải thích cho anh ta hiểu vì sao : trong thời gian đó, bạn điều chỉnh âm lượng bằng cách nhìn vào bảng âm lượng trên máy ghi âm (trong tiếng anh gọi là peak meter).

trong lúc ghi âm: thường xuyên kiểm tra âm lượng.

trước khi chia tay người đối thoại, nghe lại cuối hoặc đầu băng ghi âm để chắc chắn rằng bạn có âm thanh có chất lượng. Nếu chất lượng âm thanh kém, hãy làm lại và giải thích vì sao.
Đối với tiếng động hiện trường: hãy đeo tai nghe khi ghi âm và xem âm lượng.

TRÁNH DÙNG MÁY GHI ÂM CÁ NHÂN LOẠI NHỎ: đó là loại máy chỉ dùng để ghi chép trong phát thanh, âm thanh của nó còn tệ hơn âm thanh ghi bằng điện thoại.